Việc xác định người tài, người giỏi trong tuyển dụng có nhiều cách nhưng riêng về ngành SEO hiện này thì rất khó tìm ra được ứng viên phù hợp, nhất là những đợt tuyển dụng chuyên viên cấp cao, nhân sự ở cấp độ chuyên sâu.
Tôi đã từng tuyển dụng rất nhiều người làm seo, đến với tôi với một CV rất chi là hoành tráng, thành tích kinh nghiệm nhiều cũng có, ít cũng có, mới ra trường lại càng nhiều. Có vẻ như thị trường SEO là một cái gì đó rất hot, ai cũng ghi thêm chữ “Biết SEO” trong hồ sơ khi ứng tuyển vào các công ty có liên quan đến việc làm marketing trực tuyến. Lần lượt đọc các CV tiếng Anh, tiếng Việt đầy đủ nào là : Kinh nghiệm thuyết trình, kinh nghiệm làm việc nhóm, khả năng tư duy độc lập,..vv..vv.. tôi thấy ai cũng là siêu nhân cả !
Có thể câu từ trong tuyển dụng việc làm của các công ty hiện tại đều muốn có 1 người có thể đảm nhận nhiều vị trí, từ sale đến manager, đến kỹ thuật viên chuyên biệt, cho nên họ cho vào những dòng tuyển dụng vừa chung chung lại vừa “tham” quá mức. Tôi nói đơn giản như việc tuyển nhân viên SEO, hầu hết đều ghi : ” Có khả năng giao tiếp tốt, SEO chuyên sâu. ” Đây là một cụm từ khá hay, đọc qua thì ai cũng thấy nó đúng, nhưng tôi chẳng thấy nó đúng tý nào vì một số lý do sau :
Một, đã là nhân viên SEO giỏi, họ dành rất nhiều thời gian ra nghiên cứu, tìm tòi và thực hành. Công việc của họ là ngồi với cái máy tính. Và các cụ thường có câu : Mồm miệng đỡ chân tay. Tôi không tin những người suốt ngày ngồi với cái máy tính lại có được 1 khả năng giao tiếp tốt ngoài xã hội.
Hai, giao tiếp tốt, trong quản trị nhân sự, theo thuyết D.I.S.C, thì đó là loại người I – Loại chuyên về kỹ năng ra ý tưởng, thuyết trình, thuyết phục khách hàng, mà tôi nôm na gọi là :Chém gió , cho các bạn dễ hiểu. Như vậy, loại người này không thể mang trên mình một kỹ thuật tốt. Đây thuộc dạng front office – Là người tiên phong với các hoạt động bên ngoài, bề nổi của một công ty.
Vậy, các công ty vì sao họ lại cứ thích ghi 2 khả năng trên làm 1 trong 1 mô tả tuyển dụng ? Câu trả lời : Copy-paste của nhau hoặc không hiểu cốt lõi mình đang tuyển cái gì.
Lạ hơn nữa, các ứng viên vì đạt mục đích vượt qua phỏng vấn, ai cũng ghi :Kỹ năng giao tiếp tốt, như để lấy lòng nhà tuyển dụng. Mà đã là tuyển một vị trí SEO Specialist hoặc SEO Manager, SEO Master thì tôi nghĩ, càng không nhất thiết phải ghi cái kỹ năng đó vào hồ sơ làm gì, nếu tôi là người tuyển dụng, tôi sẽ loại những “Thánh chém gió” ra một bên cho vị trí trên.
Như vậy, để chuẩn xác bước phân loại ứng viên cho SEO, bạn cần xem xét kỹ Mô tả công việc và kỹ năng yêu cầu cho công việc đó phải thật sự phù hợp với vị trí bạn đang cần tuyển, đừng quá lan man, tham lam ghi hết các kỹ năng vào cho nó đẹp làm gì.
Sau khi xem xét các hồ sơ xong, khi gặp ứng viên, thường thì các bạn sẽ phỏng vấn theo format : Giới thiệu tên tuổi, điểm nổi bật, ưu khuyết điểm, hỏi một số khái niệm chuyên môn..vv..vv Nếu làm vậy, bạn đang phí thời gian trừ khi bạn muốn thư giãn và tìm người nói chuyện tâm sự.
Kinh nghiệm của tôi thì chỉ cần hỏi 2 câu thôi :
Câu hỏi 1 : Điều gì quan trọng nhất trong SEO Onpage ?
Nếu bạn đang tuyển vị trí SEO tốt, seo advance, chắc chắn rằng bạn không cần phải hỏi họ : SEO onpage là gì, có mấy loại thẻ meta, thuật toán Google như nào. Bởi với câu hỏi trên, đã bao hàm toàn bộ những phân tích trong đó, câu trả lời của ứng viên thể hiện mức độ hiểu biết hoặc trình độ làm SEO của họ.
Tôi tuyển vị trí SEO specialist (theo đúng nghĩa của nó) thì khi tôi hỏi câu này, các bạn đều trả lời thao thao :
Các thẻ H1, H2 : Đây là câu trả lời của người mới biết làm seo.
Nội dung : Đây là câu trả lời của những người đã bị Google “vả vào mặt” khá nhiều lần. Sau khi ăn rất nhiều cái tát và cũng đã làm các kiểu blackhat seo rồi họ mới nhận ra giá trị đích thực mà Google cần tới chính là Nội dung. Đôi khi, câu trả lời này họ cũng tìm hiểu trên mạng và copy-paste theo format trả lời, nhưng cũng tạm chấp nhận vì họ nói được cái mà ai cũng biết nhưng không ai dám nói !
Backlinks : Đây là dạng thánh chém gió. Vì không hiểu SEO Onpage là gì.
Điều hướng navigation và internal links : Loại này tốt hơn loại “Nội dung” trên một tý vì đã vượt qua khâu vả vào mặt của Google và biết cách tối ưu sự Logic trên site cho người dùng.
Trải nghiệm người dùng : Nếu bạn nhận được câu trả lời như này, thì xin chúc mừng bạn, bạn đã tuyển được một SEO Specialist theo đúng nghĩa. Vì thuật ngữ “Trải nghiệm người dùng” bao hàm toàn bộ những thứ đã kể trên và có thêm những bao quát khác như : Layout, template, CSS, Banner quảng cáo, màu sắc,…vv..vv.. Một website có nội dung tốt (tôi đang nói tới nội dung có ý nghĩa, không chấp các loại nội dung chỉ unique mà spin loạn hòng qua mặt bot nhé), có điều hướng navigation rất logic, tỷ lệ internal link tốt, nhưng lại khoác lên mình rất nhiều loại màu sắc khác nhau, popup quảng cáo loạn cả lên thì cũng vứt đi, vì nó cho người dùng cảm giác bị làm phiền, không phân biệt được giá trị thương hiệu, thậm chí gây ức chế cho người đọc. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều loại website ở Việt Nam làm như vậy như các web xem phim, truyện tranh,.. họ vẫn có một giá trị và từ khóa, traffic rất cao – Điều này là vì sao ? Tôi sẽ nói ở một bài viết khác.
Câu hỏi 2 : Điều gì quan trọng nhất trong SEO Offpage ?
Khái niệm Offpage hay onpage là khái niệm được công nhận trong giới SEO. Nếu bạn chưa hiểu Offpage là gì thì có thể Google giúp mình.
Backlinks : Với câu trả lời này, SEO này ở mức level startup – SEO mới bắt đầu kinh nghiệm khoảng dưới 1 năm.
Social – Viral : Đây là loại khoảng 2 năm trở lên vì đã biết tính đến xu hướng công nghệ. Hiện tại rất nhiều các loại web 2.0 được lập ra, và mọi người thường gọi web 2.0 là web dành cho các hình thức mạng xã hội. Yếu tố xã hội tác động không nhỏ tới hành vi, thói quen của người dùng nên câu trả lời này bạn có thể chấp nhận được.
Các loại quảng cáo – Ads network : Những người trả lời như này thường hay sử dụng quảng cáo adwords, các mạng quảng cáo khác để thu hút lượt click vào website theo một vài từ khóa nhất định. Việc phân phối quảng cáo như vậy cũng tác động đến thứ hạng website và thực tế là bạn phải chi khá nhiều tiền để làm một từ khóa lên top dựa trên công nghệ ads này. Người trả lời câu này có tính đến các phương án marketing, chiến thuật lên top của từ khóa. Tuy nhiên, theo tôi, tôi không thích câu trả lời này !
Làm thương hiệu ( Branding): Tôi cực kì thích ai trả lời như này bởi vì sao ? SEO offpage không phải là bắn backlinks ào ào, chia sẻ mạng xã hội rào rạt, quảng cáo tất cả các kênh và tiêu tiền vô tội vạ. Tất cả những cái đó bạn thử nghĩ xem, áp dụng cho 1 website bán hàng nghiêm túc, liệu khách hàng có click vào tên miền, link của bạn trên mạng không khi mà tên miền hay tên công ty bạn là thể loại chuyên lừa đảo, spam, hoặc không có chút giá trị thương hiệu nào ? Tôi nói ví dụ đơn giản, hàng ngày lên Facebook tôi gặp rất nhiều đường link spam, quảng cáo sidebar facebook, khi click vào 1 lần thì hệ thống chuyển hướng tôi đi lung tung, không đúng cái họ nói và domain cũng khác đi, hoặc là domain đấy nhưng toàn tin vịt, tin spam, nội dung nhăng nhít >>> Tôi đã bị lừa lần 1. Lần 2 thì sao ? Không bao giờ tôi truy cập những domain đó nữa vì trong tiềm thức tôi đã xác định giá trị website đó như nào, dù họ có top 1, hay đập vào mắt tôi những hình ảnh quảng cáo thu hút. Hay nói ví dụ khác, bạn có tin khi bạn search : Phương pháp kiếm tiền uy tín hiệu quả nhất ! và đường link top 1 là một bài viết của công ty đa cấp biến tướng (ví dụ : Thiên ngọc minh uy, công ty sinh lợi,..) thì bạn có click và yêu thích cái website đó không?
Khi bạn làm thương hiệu bằng các biện pháp marketing bền vững, những chiến lược mang lại giá trị đích thực cho người dùng thì kể cả bạn không quảng cáo, không viral, không top 1, bạn vẫn có thể đón nhận được những truy cập khác (truy cập trực tiếp, search đích danh công ty,..)
Kết luận : Vậy bạn đồng ý với tôi một số điểm như sau :
- Lọc ứng viên : Hãy ghi đúng mô tả, yêu cầu công việc theo giá trị mà người đó tạo ra và cách thức họ làm việc. Người làm kỹ thuật thì không nhất thiết phải giao tiếp tốt, người làm front office thì không cần cứ phải biết những cái tỷ mỷ về kỹ thuật.
- Hỏi ứng viên SEO : Với 2 câu hỏi trên và cái tôi phân tích, tôi tin rằng bạn tìm được người phù hợp với chiến lược kinh doanh và quỹ tiền lương, cũng như chi phí cho việc tuyển dụng này.
Ok ? Nếu không đồng ý, đặt comment bên dưới 😀
À, còn một điều nữa…
Leave a Reply